Xin chào,
Bạn có phải là một người viết?
Nếu là một người viết, bạn có nhận ra bản thân trong câu chuyện này không?
Bạn vừa nảy ra một ý tưởng mới, vội vàng ngồi vào bàn và háo hức tin rằng những ý tưởng sáng giá ấy sẽ hóa thành một bài viết đầy tự hào.
Nhưng rồi 30 phút trôi qua, 1 tiếng, 2 tiếng... tất cả những gì bạn có trên bàn đều là những câu chữ rời rạc, lộn xộn. Những ý tưởng mà bạn từng thấy rõ ràng, giờ lại bị chôn vùi dưới những đoạn văn không đầu không đuôi.

Bạn tự hỏi, “Có gì sai ở đây không?” Tại sao những ý tưởng vốn dĩ rất rõ ràng lại tan biến khi bạn đặt bút xuống? Tại sao việc hoàn thành một bài viết lại trở nên khó khăn đến vậy, dù trước đó bạn nghĩ mình đã hiểu rõ về chúng?
Liệu có phải bạn không có năng khiếu để trở thành “cây bút vàng” như những nhà văn ngoài kia?
Câu trả lời là không.
Mình tin rằng, hầu hết chúng ta không được học viết một cách đúng đắn khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Chúng ta thường viết theo bản năng, hoặc tệ hơn, theo những khuôn mẫu có sẵn. Người viết giỏi thường bị gắn nhãn “thiên tài bẩm sinh”, trong khi chúng ta tự nhận mình “không có năng khiếu”, để rồi viết trở thành một nỗi sợ âm thầm trong suốt hành trình trưởng thành.
Nhưng viết là dành cho tất cả mọi người. Chúng ta chưa viết hay không phải vì thiếu thiên phú, mà vì chưa học được cách viết hay.
“Writing well can be learned. It's a craft, like any other. While some writers do exhibit a special flair for writing, writing well is not the preserve of a privileged few who have been blessed with the right genes. Even if one never wins a Nobel in literature or Pulitzer in journalism - and most of us won't - I believe everyone can become a better writer.”
— Glenn Leibowitz, Writing is a craft you can learn
Tạm dịch: Viết tốt có thể học được. Đó là một ngón nghề, giống như bất kỳ ngón nghề nào khác. Trong khi một số cây bút thể hiện năng khiếu viết lách đặc biệt, viết tốt không phải là đặc quyền của một số ít người. Ngay cả khi chúng ta không bao giờ giành được giải Nobel về văn học hoặc giải Pulitzer về báo chí, tôi tin rằng mọi người đều có thể trở thành một nhà văn giỏi.
Trong bài viết này, mình sẽ khám phá bí quyết viết tốt qua lăng kính của những cây bút nổi tiếng như William Zinsser, David McCullough, Adam Grant,… và qua những trải nghiệm cá nhân trong hành trình viết lách. Mục tiêu của mình là giúp bạn hiểu rõ hơn về các hình thức viết chính, bản chất của việc viết, và cách áp dụng các kiến thức này để trở thành một người viết hiệu quả hơn.
#1 Hai loại “Viết”
Để viết tốt, trước tiên chúng ta cần thấu hiểu bản chất và mục đích của từng loại viết.
Trong cuốn sách “Writing to Learn”, nhà văn nổi tiếng William Zinsser đã chia việc viết thành hai dạng chính: Viết để giải thích, và Viết để khám phá.
Viết để giải thích (Explanatory writing, Type A writing)
Viết giải thích là hình thức viết để truyền tải thông tin hoặc ý tưởng, thường dùng để chia sẻ kiến thức, trình bày luận điểm, hay đơn giản là hướng dẫn người khác làm một việc gì đó.
Đây là hình thức viết phổ biến nhất, thường được xem là nền tảng vận hành của xã hội. Hằng ngày, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp kiểu viết này ở mọi ngóc ngách đời sống — từ các bản tin thời sự, thông báo nội quy, cho đến bản đề xuất chiến lược phát triển sản phẩm tại nơi làm việc.
“As a teacher, I’ve concentrated on Type A writing because it’s so badly needed.”
“Type A writing is what most people need to get through the day, both as writer and as readers. Its sole purpose is to inform; it has no deeper content that the writer will discover in the act of writing.”
— William Zinsser
Tạm dịch: Là một giáo viên, tôi tập trung vào việc Viết giải thích vì chúng vô cùng cần thiết.
Viết giải thích là kiểu viết mà hầu hết mọi người đều phải trải qua trong ngày, dù là người viết hay người đọc. Mục đích duy nhất của kiểu viết này là truyền tải thông tin, chứ không nhằm để người viết khám phá điều gì trong quá trình viết.
Viết để khám phá (Exploratory writing, Type B writing)
Khác với kiểu viết đầu tiên, Viết khám phá giúp ta phát hiện những ý tưởng mà bản thân muốn truyền đạt, là tiền đề của sự phát triển cá nhân và xã hội.
Hình thức này không đòi hỏi ta phải suy ngẫm nhiều để truyền đạt ý tưởng như Viết giải thích. Người viết không cần vạch ra sẵn con người mình muốn đi, mà chúng sẽ tự hiện ra trong quá trình họ viết.
Viết khám phá thường dễ bắt gặp trong các tác phẩm hồi kí, nhật kí… — nơi mà các yếu tố về mặt logic sẽ ít được chú trọng, thay vào đó đề cao sự tìm kiếm, khai phá cảm xúc và suy nghĩ của bản thân.
#2 Bản chất của việc viết
Có một sự thật về việc viết mà chúng ta ít khi nào để ý, rằng phần lớn thời gian chúng ta viết không dùng để viết, mà là để suy nghĩ.
Là người viết có chủ đích (để truyền tải ý tưởng cho độc giả), hầu hết chúng ta thường hướng tới kiểu Viết giải thích. Với kiểu viết này, người viết không chỉ cần hiểu rõ chủ để cần viết, mà còn phải chọn lọc, sắp xếp các thông tin một cách mạch lạc, có trình tự để người đọc hiểu được các ý tưởng đó.
“Writing is linear and sequential. Sentence B must follow Sentence A, and Sentence C must follow Sentence B, and eventually you get to Sentence Z.
The hard part of writing isn’t the writing; it’s the thinking.”
— William Zinsser
Tạm dịch: Việc viết là tuyến tính và có tuần tự. Câu A được viết trước, rồi đến Câu B, Câu C… và cuối cùng bạn sẽ đến được Câu Z.
Phần khó của việc viết không phải là viết, mà là suy nghĩ.
Tuy nhiên, suy nghĩ trong đầu chúng ta thường là các mảnh ghép rời rạc và thiếu tính liên kết. Ngay cả khi ý tưởng ban đầu có vẻ rõ ràng, quá trình viết có thể đưa bạn vào mê cung của những suy nghĩ chưa được khám phá hết. Bởi vì trên thực tế, Viết giải thích và Viết khám phá không tồn tại độc lập mà thường đan xen lẫn nhau, đòi hỏi người viết liên tục khám phá nhiều ngóc ngách trong tư duy và cảm xúc của bản thân nữa.
Viết không đơn thuần là đặt con chữ lên mặt giấy, viết là một hình thức của suy nghĩ.
Như Adam Grant đã chia sẻ trong quyển “Thinking Again” — tất cả mọi người đều có điểm mù trong kiến thức và quan điểm của mình — nhưng ta ít khi nào phát hiện được điều này cho đến khi ngồi xuống viết. Khi viết, chúng ta buộc mình đánh giá lại tư duy, lấp đầy lỗ hổng kiến thức, tinh chỉnh lập luận và diễn đạt ý tưởng cần nói một cách rõ ràng và thuyết phục nhất.
“Writing organizes and clarifies our thoughts. Writing is how we think our way into a subject and make it our own. Writing enables us to find out what we know — and what we don’t know — about whatever we’re trying to learn.”
— William Zinsser, in Writing to learn
Tạm dịch: Viết giúp chúng ta sắp xếp và làm rõ suy nghĩ. Nó thúc đẩy ta suy nghĩ theo cách của mình về một chủ đề nào đó và biến các ý tưởng thành của riêng mình. Viết cho phép chúng ta tìm ra những gì chúng ta biết — và những gì chúng ta không biết — về bất cứ điều gì chúng ta đang cố gắng học.
#3 Làm thế nào để viết tốt?
Nếu tìm kiếm cụm từ “làm thế nào để viết tốt (how to write well)” trên Internet, số lượng kết quả trả ra chắc chắn sẽ không dưới 9 chữ số, dù bạn tìm kiếm bằng ngôn ngữ nào đi chăng nữa. Dù vậy, đa phần các nguồn bạn tìm thấy sẽ chú trọng vào việc gợi ý các chiến thuật (tactics) giúp bạn viết tốt như viết ngắn gọn, cô đọng, hạn chế dùng thuật ngữ hoặc các từ quá chuyên môn,…
Mặc dù không phủ nhận độ hữu dụng của các chiến thuật này, nhưng mình tin rằng chúng chỉ giúp chúng ta xoa dịu nỗi đau chứ không hoàn toàn loại bỏ gốc rễ cơn đau “viết” ấy.
Vậy làm thế nào để viết tốt?
Trong bài viết bàn về tương lai của việc viết, nhà khởi nghiệp Anand Tamboli chia sẻ rằng viết không tồn tại độc lập mà là một phần của một quá trình lớn hơn — Vòng lặp giao tiếp Đọc - Nghĩ - Viết. Để cải thiện kỹ năng viết, chúng ta cần cải thiện toàn bộ quá trình đó:
“Writing is one small part of a more extensive process of communication. The larger process involves thinking, writing, reading, thinking (again) and re-writing.”
Tạm dịch: Viết là một phần nhỏ của một quá trình giao tiếp rộng lớn hơn. Quá trình lớn hơn bao gồm suy nghĩ, viết, đọc, suy nghĩ (lại) và viết lại.
Giai đoạn 1: Đọc - Nghĩ - Viết trên bài viết của người khác
Nếu bài viết của bạn nhằm truyền tải thông tin, bạn cần có thông tin trước đã. Đọc sách và các tác phẩm của các cây bút nổi tiếng không chỉ cung cấp kiến thức cần thiết cho bài viết, mà còn giúp bạn học hỏi phong cách viết và tư duy của họ nữa.
“Writing is learned by imitation. I learned to write mainly by reading writers who were doing the kind of writing I wanted to do and by trying to figure out how they did it.”
— William Zinsser, in Writing to learn
Tạm dịch: Việc viết được học thông qua việc bắt chước. Tôi học viết chủ yếu bằng cách đọc tác phẩm của các tác giả mà tôi muốn bắt chước, và cố gắng tìm hiểu cách họ làm điều đó.
Tiếp sau quá trình đọc sẽ là quá trình suy nghĩ, phân tích, phản biện và phát triển góc nhìn cá nhân dựa trên những thông tin mà mình đã học được; từ đó xây dựng ý tưởng thô (raw input) cho bài viết của chúng ta.
Giai đoạn 2: Đọc (lại) - Nghĩ (lại) - Viết (lại) trên bài viết của chính mình
Bản thảo đầu tiên luôn là bản thảo có nhiều lỗ hổng nhất.
Khi viết lần đầu, chúng ta có thể chưa hiểu rõ hết ý tưởng cần trình bày hoặc cách phát triển bài viết. Chính vì vậy, các lần viết đầu tiên thường là các bài Viết khám phá, cần được chỉnh sửa và tổ chức lại sau đó.
Việc đọc lại bài viết của chính mình cho phép chúng ta đánh giá dưới góc nhìn của độc giả, phát hiện điểm mù trong suy nghĩ và tinh chỉnh bài viết khi cần thiết.
“Write a bad version 1 as fast as you can; rewrite it over and over.”
— Paul Graham
Tạm dịch: Viết một bản thảo tồi tệ càng nhanh càng tốt, sau đó viết lại nhiều lần.
“And, that’s when something interesting happens. We read what we wrote, and just like any reading, it further instils more thinking. In this case, this thinking about our writing. This (re)thinking gives us feedback, which we use to clarify our thoughts. It helps us ensure that we have written what we were thinking earlier. Based on that feedback, we tend to rewrite or finalise our writing.”
— Anand Tamboli
Tạm dịch: Và đó là lúc điều thú vị xảy ra. Chúng ta đọc lại những gì mình đã viết, và giống như bất kỳ lần đọc nào khác, điều này kích thích thêm suy nghĩ. Trong trường hợp này, đó là suy nghĩ về chính việc viết của chính mình. Việc (tái) suy nghĩ này cung cấp cho ta phản hồi, mà ta sử dụng để làm rõ những suy nghĩ của mình. Nó giúp chúng ta đảm bảo rằng mình đã viết đúng những gì mình đã nghĩ trước đó. Dựa trên phản hồi đó, chúng ta có xu hướng viết lại hoặc hoàn thiện bài viết của mình.
Một điều thú vị là mình đã viết ba phiên bản cho bài viết này, mỗi phiên bản có cách sắp xếp và lập luận khác nhau, dẫn đến những góc nhìn và cảm giác khác nhau cho người đọc.
Trong bản đầu tiên, mình áp dụng cách Viết khám phá, từng đoạn văn sẽ dẫn dắt độc giả đến một điểm cốt lõi của việc viết, từ đó giúp họ nhận ra những yếu tố cần thiết để cải thiện kỹ năng viết.
Trong phiên bản thứ hai và thứ ba, mình sử dụng cách Viết giải thích — một cách viết logic và chặt chẽ hơn. Điểm khác biệt duy nhất giữa hai phiên bản này là trong bài viết thứ hai, mình trình bày mục #3 Làm thế nào để viết tốt? theo kiểu viết khám phá, không theo bất kỳ khuôn khổ nào, trong khi ở bản chính thức, mình sử dụng Vòng lặp Đọc - Nghĩ - Viết như khung xương cho toàn bộ lập luận.
Việc đọc lại, suy nghĩ lại, và viết lại không chỉ giúp mình cải thiện bài viết, mà còn khai phá phong cách viết yêu thích của chính mình nữa.
#4 Lời kết
Nếu bạn chỉ nhớ đúng một điều và quên hết tất cả những gì mình đã nói, thì đó chắc chắn sẽ là: Viết là suy nghĩ, người có suy nghĩ rõ ràng có thể viết tốt, người viết tốt ắt là người có suy nghĩ rõ ràng.
“I want to show that it’s not necessary to be a writer to write well. Clear writing is the logical arrangement of thought, a scientist who thinks clearly can write as well as the best writer.”
— William Zinsser
Tạm dịch: Tôi muốn chứng minh rằng không nhất thiết phải là một nhà văn mới có thể viết tốt. Viết rõ ràng là sự sắp xếp hợp lý các ý tưởng; một nhà khoa học suy nghĩ rõ ràng có thể viết tốt như bất kỳ nhà văn xuất sắc nào.
Dù không phải là thiên tài bẩm sinh trong “làng viết”, mình tin rằng bạn cũng sẽ có thể viết tốt nếu áp dụng được những nguyên tắc cốt lõi này.
Chúc mọi cây bút sẽ vượt qua hành trình viết chông gai phía trước và không ngừng phát triển nhé!
___
Theo dõi
để đọc thêm những bài viết chất lượng như thế này bạn nhé!Nhân đây, nếu bạn đang loay hoay chưa rõ phương hướng trong blogging, MỞ mời bạn ghé Writing On The Net - nơi Tùng và Tuấn đã đồng hành cùng hơn 400 bloggers trong hành trình viết trên Internet!
🔥 Khóa Writing On The Net #7 đang mở đơn với ưu đãi đỉnh nóc kịch trần! Nhanh tay đăng ký nha🔥
Newsletter “nóng hổi” của tuần này đến đây là kết thúc rồi! Nếu bạn có feedback gì cho số newsletter này, đừng ngần ngại nhắn lại với chúng mình nha. Hẹn các bạn tuần sau! 🌝
MỞ và Writing On The Net