“Writer’s block” (Bế tắc khi viết) - Khi bạn cảm thấy “nghèo” ý tưởng
Xin chào bạn. Bạn có phải là một người viết?
Và nếu là một người thích viết, bạn có thấy hình ảnh này quen quen?
Chúng ta ngồi trước màn hình, có điều gì nó bên trong thôi thúc.
Ta nghĩ, hôm nay nhất định mình sẽ viết thật ra trò!
Hoặc đơn giản hơn là chúng ta đang tham gia thử thách viết 30 ngày liên tục của Writing On The Net, nên cho dù chưa có hứng thú cụ thể với chủ đề nào, thì vẫn cần ngồi xuống để viết xem sao.
Rồi 5 phút, 10 phút, 15 phút trôi qua… ta vẫn chưa viết được gì cả.
Vẫn là trang giấy trắng.
Viết một tí rồi xóa.
Xóa một tí rồi viết.
Câu hỏi đặt ra là: Có thật là ta bế tắc khi viết, vì không có gì để viết?
Nói cách khác, việc không viết ra được, có phải vì ta thiếu thốn ý tưởng hay không?
Nếu coi ý tưởng là một tài sản quý, có phải bạn và mình đang bị “nghèo ý tưởng”?
Nếu bạn đang hoặc đã nhiều lần suýt từ bỏ việc viết lách vì không biết viết gì, hãy đọc tiếp để tìm gợi ý nhé!
Chán quá nghỉ viết: Cảnh này cũng quen luôn! ^^
“Ngân hàng ký ức” (Đạo diễn Trần Quốc Bảo) - Gửi cảm xúc và quan sát thì nhận lãi là gì?
Trong một buổi workshop biên kịch trong khuôn khổ LHP Quốc tế TPHCM 2024, mình được nghe về khái niệm “Ngân hàng Ký ức” (Memory Bank) của đạo diễn Trần Quốc Bảo - một nhà làm phim gốc Việt có kinh nghiệm sống qua nhiều nền văn hoá từ Đông sang Tây, và muốn truyền tải lại những gì anh ấy đã từng quan sát và cảm thấy đến cho khán giả thông qua việc viết và làm phim.
Phim điện ảnh đầu tay của đạo diễn Trần Quốc Bảo “The Paper Tigers” (Tam Chỉ Hổ) (2020) đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ Variety và New York Times. Trang đánh giá phim Rotten Tomatoes xếp hạng phim này là một trong những Phim hài hành động hay nhất và Phim Mỹ gốc Á hay nhất với xếp hạng "Certified Fresh". Trần Quốc Bảo cũng là người dựng phim cho “Bụi Đời Chợ Lớn” (2013), một trong những bộ phim hành động có kinh phí cao nhất Đông Nam Á và “Trúng Số” (2015), bộ phim đại diện Việt Nam tranh giải Oscar 2016 cho Phim nước ngoài hay nhất. Anh cũng là thành viên của Paramount Directors Initiative và chương trình Sony Pictures Television Diverse Directors. (Tiểu sử IMDb)
Là một nhà làm phim đam mê thể loại phim hành động, đạo diễn Trần Quốc Bảo ấp ủ kể được qua phim những câu chuyện phong phú về văn hóa, vì “bộ phim hành động hay là bộ phim có câu chuyện tốt”, chứ không chỉ tập trung vào cảnh hành động.
Sẽ có những ngày bạn nhìn thấy rất nhiều điều và trải nghiệm rất phong phú, nhưng có những ngày bạn không tiếp cận điều gì mới mẻ cả.
Mà việc sáng tác thì cần đều đặn, không thể phụ thuộc vào tình hình thực tế của tác giả, hôm có chuyện để nói, hôm thì không.
Trong đời sống bình thường, sẽ có những ngày ta kiếm được thu nhập tốt, có những ngày khó khăn. Mà ngày nào ta cũng cần sống, sinh hoạt, ăn uống.
Do đó, việc để dành và tiết kiệm là rất quan trọng.
Với sáng tạo cũng vậy, việc cất giữ, chắt chiu và “gửi tiết kiệm” ý tưởng là rất cần thiết.
Đạo diễn Quốc Bảo xây dựng cho mình một “Ngân hàng ký ức” để lưu trữ những sự kiện, cảm xúc và câu chuyện mỗi ngày, ngắm nghía nó, nuôi dưỡng nó.
Nếu có những lúc chưa có gì mới, những ngày khó khăn khi gọi tên cảm xúc, thì ngân hàng đó vẫn ở bên, sẵn sàng để anh lựa chọn một hoặc nhiều mảnh thông tin để phục vụ cho công việc sáng tạo của mình.
Khi bạn đọc hoặc xem được tác phẩm nào hay, lời khuyên của anh Trần Quốc Bảo cũng là: Hãy ghi chép lại.
Hãy đặt câu hỏi, nếu bạn làm lại tác phẩm này (remake), thì góc nhìn của bạn và bối cảnh bạn đưa tác phẩm vào sẽ như thế nào?
Góc nhìn và bối cảnh cá nhân của bạn có thể được nhặt ra từ Ngân hàng ký ức, và sau khi biên tập, bổ sung, bạn lại đem nó cất trở lại ngân hàng.
Bình thường chúng ta gửi tiền vào ngân hàng thì sẽ có tiền lãi, còn gửi thông tin, cảm xúc, ghi chéo quan sát vào Ngân hàng ký ức, thì sẽ lãi những ý tưởng, câu chuyện.
Anh khuyên các bạn trẻ đang bắt đầu sáng tác:
💡 Đừng vội khẳng định ký ức nào đó là vặt vãnh, vô nghĩa. Là người viết, chúng ta cần sự nhạy cảm để gọi tên nó, để nó “make sense” (có nghĩa), để nó kể chuyện. Không gian lưu trữ giúp chúng ta làm việc đó chính là Ngân hàng Ký ức.
Chúng ta bắt đầu ghi chép càng sớm, vốn tích luỹ càng dày, và những ý tưởng tiềm năng sẽ càng dồi dào trong tương lai.
Hãy đi vào cụ thể xem Ngân hàng Ký ức sẽ trợ giúp người viết - là bạn - như thế nào nhé!
Khi “nghèo ý tưởng”: Bạn liên tục quên, đầu óc trắng tinh, không có gì để viết?
Có lẽ trong chúng ta, rất nhiều bạn có những đời sống cực kỳ phong phú và màu sắc.
Chúng ta gặp gỡ nhiều người, trải qua nhiều sự kiện, quán sát nhiều hiện tượng mỗi ngày.
Tuy vậy, nếu bạn chỉ ghi nhớ bằng đầu, thì khi cần gọi lại trí nhớ, sẽ không tránh khỏi việc quên.
Không có gì tiếc hơn là một ngày đẹp trời, bạn cần một mảnh thông tin nào đó để dùng lại, chia sẻ với ai đó hoặc dùng trong bài blog mới nhất, bạn biết chắc chắn nó ở trong đầu bạn NHƯNG không thể gọi tên nó ra được.
Bộ não của chúng ta có những hạn chế khi lưu trữ thông tin và ý tưởng:
Thông tin càng ít dùng tới hoặc đã được thu nạp từ lâu thì càng dễ quên ⇒ Giới hạn về thời gian.
Nếu bạn dồn mọi thứ vào đầu, thì không gian trong đầu bạn sẽ ngày một chật hẹp ⇒ Giới hạn về không gian.
Những giới hạn về không gian và thời gian này của trí nhớ dẫn tới những khoảnh khắc "bí bài", “writer’s block”, chẳng biết viết gì khi bạn đứng trước một trang viết mới tinh.
💡 Khi bạn bị "bí ý tưởng", không phải là do bạn không có gì để viết đâu, mà là do ý tưởng đang bị kẹt đâu đó trong đầu mà bạn không lôi nó ra được.
Bạn cần một trợ thủ, một “nhà kho”, một ”Bộ não thứ 2” để giúp ghi lại thông tin lâu dài, và lấy ra bất cứ khi nào cần.
Nếu có một bộ não thứ 2 như một thư viện để giúp ghi lại, lưu trữ và lấy ra những thông tin, kiến thức cho bản thân, bạn sẽ có khả năng thu nạp kiến thức vô tận, không bị giới hạn bởi trí nhớ (thời gian) và độ rộng (không gian) của bộ não nữa.
Ngân hàng Ký ức chính là một hình thức xây dựng Bộ não thứ 2 của người làm sáng tạo. Những quan sát, trải nghiệm, cảm xúc, ký ức của bạn được lưu giữ ở một nơi an toàn, khó có thể mất mát, và sẵn sàng sống lại khi bạn cần.
“Giàu ý tưởng” quá cũng không hay: Chìm trong muôn vàn ý tưởng vụn và chẳng biết viết gì?
Ngoài việc chúng ta được trao thêm cơ hội suy nghĩ, thì những suy nghĩ và thông tin cũng được trao cơ hội để được xem xét lại lần 2, lần 3.
Khi bạn có một thông tin gì đó hay hay, nếu chỉ để nó lướt qua tâm trí và trôi mất, bạn sẽ đánh mất nó. Nhưng nếu bạn nhanh tay ghi nó lại vào Ngân hàng hoặc Nhà kho, thông tin và cảm hứng này sẽ có cơ hội quay trở lại để được bạn xem xét lại.
Nó có thể được gắn với một kiến thức khác, để úm ba la giúp bạn hiểu thêm/sâu hơn về một điều gì đó không?
Công thức úm ba la tạo nên giá trị mới là:
💡 1 thông tin rời rạc + 1 thông tin rời rạc khác + (Suy nghĩ, đào sâu, tìm kiếm thêm) = 1 kiến thức hữu ích!
Một ý tưởng bạn thấy là bình thường, không có gì để khai thác, nhưng nếu bạn viết lại và mở ra xem lại, biết đâu bạn lại thấy nó thú vị hơn và biến được thành một bài blog, hay truyện ngắn, hay cái gì đó hay ho hơn.
Trong văn học hoặc điện ảnh, ta có tính “hô - ứng” của câu chuyện.
Ví dụ ở một cảnh ta thấy camera đứng ở góc lấp ló theo dõi nhân vật chính một cách mờ ám.
Khán giả được báo tin là có cái gì đó không ổn ở đây, nhưng chưa rõ là gì. Mãi về sau, vụ án mới xảy ra. Và mãi về sau nữa, hung thủ mới hiện diện, và ta òa lên, ô ra là cái góc nhìn đầu phim là của kẻ thủ ác.
Vậy thì với các ý tưởng của bạn cũng vậy.
💡 Một ý tưởng thoáng qua của bạn, nó là một tiếng “hô lên” đang chờ một lời “đối ứng”.
Bằng việc ghi chép những ý tưởng, cảm hứng bất chợt đó, bạn cho chúng một cơ hội tìm thấy nửa-còn-lại của chúng ở trong những ghi chép của quá khứ hay trong tương lai.
Những ý tưởng có cơ hội thứ 2, thứ 3 được trở nên ý nghĩa, thay vì bị quên lãng như chưa hề tồn tại.
Tóm lại:
Ngân hàng Ký ức, Bộ não thứ 2, hoặc Nhà kho Lưu trữ ý tưởng nếu bạn đã học Writing On The Net, chính là nơi trung chuyển giúp biến kiến thức, cảm hứng thành tác phẩm, biến thông tin đầu vào trở thành tác phẩm đầu ra, nấu nguyên liệu thô thành món (hy vọng là) ngon.
Việc lưu trữ, bồi đắp cho quỹ thông tin, cảm xúc và ký ức, sẽ giúp chúng ta viết được đều đặn và bền bỉ.
💡 Nếu chỉ viết bằng cảm hứng và những khoảnh khắc “Eureka!”, chúng ta sẽ không trụ nổi quá 5 ngày.
Nhưng với một Ngân hàng Ký ức hoặc Nhà kho Lưu trữ Ý tưởng, chúng ta có nhiên liệu để luôn sẵn sàng lấy ra dùng, do đó ta viết được bền bỉ, lâu dài.
Ngân hàng/Bộ não thứ 2/Nhà kho mà bạn vun đắp mỗi ngày sẽ đi cùng bạn lâu dài trong mọi công cuộc viết lách, học hành, sáng tạo về sau.
Nó có thể mang nhiều tên gọi, nhưng bản chất là một.
Nó là bộ não mở rộng, là trái tim thêm ngăn, là bạn đường trên hành trình bạn khám phá thế giới và viết lách.
Nó là nơi bạn lưu trữ mọi quan sát, cảm xúc, chiêm nghiệm và ký ức của mình, để nó luôn vẹn nguyên, sẵn sàng sử dụng khi cần, và tạo không gian để kết nối những ý tưởng rời rạc ở các thời điểm khác nhau lại thành một kiến thức hoặc ý tưởng mới có ý nghĩa hơn.
Nếu bạn đang có những vấn đề như mình lúc trước: Không nhớ nổi những ý tưởng thông tin hay cảm xúc của mình để đưa vào bài viết, hoặc thấy ý tưởng nào cũng bình thường không đáng để viết, và cuối cùng là bế tắc trước một trang giấy trắng — thì hãy nhanh chóng nhìn nhận lại và xây dựng Ngân hàng Ký ức hoặc Nhà kho Ý tưởng nhé.
Bạn đã "bỏ ống heo” vào Ngân hàng Ký ức ngày hôm nay chưa? Hãy tiến hành ngay nhé.
—
Theo dõi
để đọc thêm những bài viết đầy chiêm nghiệm như thế này nhé!Nhân đây, nếu bạn đang loay hoay chưa rõ phương hướng trong blogging, MỞ mời bạn ghé Writing On The Net - nơi Tùng và Tuấn đã đồng hành cùng gần 300 bloggers trong hành trình viết trên Internet!
🔥 Khóa Writing On The Net #7 đang mở đơn với ưu đãi 30% học phí (chỉ còn 3,499,000 VND) khi đăng ký trước ngày 11./08 🔥
💕 Maybe You Love This Blog
Với những bài viết vô cùng chỉn chu và chất lượng, MỞ muốn giới thiệu tới bạn các “nhân tố bí ẩn” trong cộng đồng Writing On The Net xứng đáng được biết tới rộng rãi hơn! Tuần này, MỞ mời bạn đọc:
Chúng mình luôn cần phải thay đổi để trở nên tốt hơn, nhưng hãy thay đổi vì bạn cảm thấy mình cần phải làm thế, không phải vì ai đó bảo bạn phải như thế. Bạn cần phải hiểu rõ mong muốn và nhu cầu của bản thân.
Học viết blog không làm cho bạn viết hay hơn ngay và luôn, nhưng sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy chỉn chu hơn, có hệ thống hơn trong việc viết. Và đó cũng chính là điều tiên quyết của việc viết hay dần lên, bên cạnh câu chuyện viết đều và bền.
Newsletter “nóng hổi” của tuần này đến đây là kết thúc rồi! Nếu bạn có feedback gì cho số newsletter này, đừng ngần ngại nhắn lại với chúng mình nha. Hẹn các bạn tuần sau! 🌝
MỞ và Writing On The Net
Cảm ơn team Mở góp ý cho bài viết rất nhiều 🌱🫶 Đây là động lực để mình tiếp tục viết và đào sâu, tập trung hơn trong các bài tiếp theo 💝